Thúc đẩy hiệu quả phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Đăng ngày: 19-03-2022, Lượt xem: 1941

Được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn là một trong 3 cơ sở giáo dục đại học (ĐH) để thí điểm mô hình giáo dục ĐH khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (KNĐMST), ĐH Huế nỗ lực thúc đẩy hiệu quả phong trào KNĐMST không chỉ trong các trường học mà còn cho các địa phương.


• Thu hút đầu tư FDI, thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế

• Đồng hành cùng người nộp thuế trong tiếp cận chính sách

• Ký kết hợp tác giữa Công ty Cổ phần Xây lắp Thừa Thiên Huế và Đại học Huế

• Tập đoàn Sovico mong muốn mở rộng hợp tác đầu tư tại Thừa Thiên Huế

• Triển khai kế hoạch tổ chức Ngày hội Cố đô khởi nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022 - Techfest Hue 2022

• Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh

• UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Vietnam Airline ký kết hơp tác toàn diện giai đoạn 2022-2026

• Thủ tướng Phạm Minh Chính: Trân trọng và đánh giá cao nỗ lực, ý chí tự lực tự cường, tinh thần phấn đấu vươn lên của các nữ doanh nhân


Nỗ lực trong mùa dịch

Giữa tháng 10/2021, lần đầu tiên cuộc thi ý tưởng KNĐMST ĐH Huế tổ chức vòng chung kết theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Sinh viên từ nhiều đội thi đang ở ngoại tỉnh vẫn tự tin thuyết trình ý tưởng, làm việc nhóm qua giải pháp ứng dụng công nghệ. Bất ngờ hơn là, dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng cuộc thi vẫn có 40 ý tưởng ban đầu, trải qua đầy đủ vòng thi để tìm những ý tưởng dự án xuất sắc nhất vòng chung kết.

TS. Hoàng Kim Toản, Giám đốc Trung tâm KN&ĐMST - ĐH Huế cho biết, cùng với chủ trương của Chính phủ, ĐH Huế đã có các giải pháp để “sống chung” với dịch. Các hoạt động mang tính phong trào, tập trung nhiều người được hạn chế, thay vào đó, trung tâm thực hiện một số nội dung phát triển chuyên sâu cho các nhóm nhỏ, sử dụng thêm các công cụ trực tuyến làm kênh triển khai.

Đáng chú ý, ĐH Huế đã đề xuất thành lập “Sáng kiến mạng lưới KNĐMST các trường ĐH, cao đẳng, trung cấp khu vực miền Trung và Tây Nguyên”. Mạng lưới này có sứ mệnh thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái KNĐMST trong trường ĐH của các đơn vị và hệ sinh thái quốc gia và hướng tới nhiều hoạt động: Tổ chức các chương trình đào tạo, huấn luyện về xây dựng hệ sinh thái, giảng dạy KNĐMST cho các đơn vị thành viên; phát triển kênh truyền thông chung, chia sẻ dữ liệu, nguồn lực của các đơn vị; chia sẻ, chuyển giao mô hình các cuộc thi về khởi nghiệp, chương trình ươm tạo và các chương trình khác giữa các đơn vị thành viên…

Theo đại diện ĐH Huế, hiện nay, chương trình đào tạo KNĐMST cho sinh viên đã được ban hành thành một học phần, triển khai thí điểm trong 3 năm tới và dự kiến triển khai đồng bộ trong toàn ĐH Huế cho tất cả các chương trình đào tạo trình độ ĐH, tiến tới mở rộng thêm các chương trình đào tạo trình độ cao học.

Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Từ hơn 7 năm trước (năm 2013), ĐH Huế triển khai các hoạt động về đổi mới sáng tạo với việc thành lập Trung tâm Ươm tạo và Chuyển giao công nghệ. Đến năm 2018, ĐH Huế tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái KNĐMST, thành lập Trung tâm KN&ĐMST làm đầu mối xây dựng hệ sinh thái và sau đó 2 năm (năm 2020), ĐH Huế tiếp tục nâng cấp Trung tâm thành đơn vị trực thuộc ĐH Huế.

Theo lãnh đạo ĐH Huế, người học chính là đối tượng thụ hưởng lớn nhất của chiến lược phát triển hoạt động KNĐMST. Ngoài kiến thức, kỹ năng và thái độ được học tập, trau dồi trong chương trình đào tạo của các đơn vị, ĐH Huế chú trọng bồi dưỡng tư duy tự chủ cho sinh viên, hướng tới tự tạo việc làm, tạo việc làm cho người khác và tạo nhiều giá trị mới cho xã hội. Trung tâm KN&ĐMST - ĐH Huế cũng đã và đang hỗ trợ các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ như giảng viên nguồn về KNĐMST, cố vấn/huấn luyện viên khởi nghiệp, đầu tư khởi nghiệp. Đồng thời, xây dựng và chuyển giao mô hình các hoạt động cho các địa phương, đơn vị, từ các cuộc thi, chương trình ươm tạo, kết nối đầu tư đến các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. “Từ các chương trình hỗ trợ, chúng em có thêm kinh nghiệm để triển khai ý tưởng, xây dựng kế hoạch, dự án khởi nghiệp tốt hơn”, Trần Phương Nhung, sinh viên ĐH Huế cho biết.

Để phát triển Trung tâm KN&ĐMST - ĐH Huế thành trung tâm lớn của cả nước và đặc biệt đóng góp chính vào hoạt động KNĐMST của địa phương và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, năm 2021, ĐH Huế cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh chủ trương thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và Phát triển OCOP trực thuộc ĐH Huế (trên cơ sở Trung tâm KN&ĐMST ĐH Huế), với định hướng phát triển trở thành trung tâm của khu vực về cả chương trình OCOP. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang có đề án để trang bị các phòng thí nghiệm chế tạo nhằm nâng cao năng lực hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực miền Trung.

Định hướng sắp tới, hoạt động KNĐMST được triển khai đồng bộ trong toàn ĐH Huế; nâng cao năng lực cho cán bộ hỗ trợ khởi nghiệp các đơn vị thành viên và trực thuộc; phát triển đồng thời hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho người học và ươm tạo chuyển giao sản phẩm khoa học và công nghệ; xây dựng nội lực chắc chắn và mở rộng hỗ trợ mạnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng với các đơn vị ngoài ĐH Huế.

Từ 2018 đến nay, Trung tâm KN&ĐMST - ĐH Huế tổ chức đào tạo, huấn luyện cho hơn 330 giảng viên nguồn các trường ĐH, cao đẳng, 150 cố vấn/huấn luyện viên khởi nghiệp, 60 nhà đầu tư khu vực miền Trung và Tây Nguyên, hỗ trợ xây dựng các mạng lưới đầu tư và cố vấn khởi nghiệp tại một số địa phương. Chương trình ươm tạo khởi nghiệp, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ đang được triển khai, đã hỗ trợ hình thành hàng trăm ý tưởng mới mỗi năm, kết nối đầu tư cho hơn 30 dự án với số vốn cam kết trên 6 tỷ đồng, có dự án đã mang sản phẩm đi ra thị trường quốc tế, hai doanh nghiệp mới được thành lập, hai doanh nghiệp đang trong quá trình chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.