Để doanh nghiệp FDI là động lực trong phát triển kinh tế

Đăng ngày: 29-12-2022, Lượt xem: 1028

“Gặp gỡ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022” là hội nghị được Sở Kế hoạch và Đầu tư, Câu lạc bộ Doanh nghiệp FDI, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức trong tối ngày 29/11.


• Năm 2023, NHNN điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng như thế nào?

• Ngành Công thương Thừa Thiên Huế vượt khó hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng

• Thừa Thiên Huế: Chính thức đưa vào khai thác tuyến container tại Cảng Chân Mây

• Khởi công Dự án đường Nguyễn Hoàng và Cầu vượt qua sông Hương

• Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2022: Trao giải cho 11 dự án, ý tưởng xuất sắc của các tác


Đóng góp vào phát triển kinh tế

Hội nghị này không chỉ nhằm tổng kết đánh giá hoạt động của Câu lạc bộ Doanh nghiệp FDI trong thời gian qua và đề ra phướng hướng hoạt động trong thời gian tới. Mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp FDI có thể chia sẻ những khó khăn vướng mắt cũng như đề xuất chính quyền những giải pháp tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Thông qua hội nghị này, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng mong muốn tạo sự gắn kết mật thiết hơn giữa chính quyền và doanh nghiệp; đề xuất một số giải pháp thúc đẩy môi trường đầu tư.

Tại hội nghị này, ông Phan Quốc Sơn (ảnh trên) - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ những thành tựu trong phát triển kinh tế của Thừa Thiên Huế và nhấn mạnh những đóng góp của khối FDI đối với phát triển kinh tế địa phương. Cụ thể, trong năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh thu của khối FDI ước đạt 1.450 triệu USD (tăng 21% so với cùng kỳ); giá trị xuất khẩu ước đạt 784 triệu USD (tăng 0,03% so với cùng kỳ); nộp ngân sách 3.350 tỷ đồng (tăng 26% so với cùng kỳ); giải quyết 22.500 lao động.

Bên cạnh những đóng góp trực tiếp, khu vực đầu tư nước ngoài đã có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác. Trong đó, việc khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước, tạo sức ép cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, góp phần đưa Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Nhờ đó đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trở thành điểm đến của một số tập đoàn trên thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau như Carlsberg (Đan Mạch), Banyan Tree(Singapore), HBI(Hoa Kỳ), Scavi(Pháp), Luks ciment(Hồng Kông), CP(Thái Lan), Caribbean Cruise (Hoa Kỳ), Baosteel (Trung Quốc), SBH (Tây Ban Nha), AeonMall (Nhật Bản), BillionMax (Trung Quốc)… Với những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, những doanh nghiệp này đã góp phần ngày càng nâng cao vị thế của tỉnh Thừa Thiên Huế trong nước và trên thế giới.

Chỉ tính riêng năm 2022, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 07 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 231,8 triệu USD (tương đương 5.321,7 tỷ đồng). Trong đó, dự án Trung tâm thương mại AEON MALL Huế của Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam với tổng vốn đầu tư 169,67 triệu USD (tương đương 3.916 tỷ đồng) là một trong những điểm nhấn về thu hút đầu tư của tỉnh trong năm 2022. Luỹ tiến đến nay, trên địa bàn tỉnh có 116 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.330,77 triệu USD.

Cùng thúc đẩy khối FDI phát triển

Tại hội nghị này, đại diện các doanh nghiệp FDI cũng đã có những chia sẻ xung quanh các vấn đề hoạt động của CLB Doanh nghiệp FDI, đề xuất những giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại địa bàn.

Theo ông Trần Văn Mỹ (ảnh trên) - Tổng Giám đốc Trung tâm quản lý Miền Trung Tập đoàn Scavi, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp, Chủ nhiệm CLB Doanh nghiệp FDI Thừa Thiên Huế, để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn chung, CLB Doanh nghiệp FDI hướng đến xây dựng cộng đồng gắn kết và mạnh mẽ. Chúng tôi luôn gắn kết để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, chia sẻ lợi ích để phát triển bền vững, góp phần cho việc xây dựng cộng đồng doanh nghiệp FDI Huế nói riêng và nền kinh tế Thừa Thiên Huế phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Các doanh nghiệp chia sẻ tại buổi gặp gỡ

Theo đó, trong năm 2023, CLB Doanh nghiệp FDI sẽ tập trung tăng cường kết nối giữa các thành viên trong CLB và mở rộng đến mạng lưới các nhà đầu tư trong và ngoài nước thông qua các sự kiện kết nối tổ chức định kỳ, sự kiện thể thao. Đặc biệt, CLB hướng đến việc giúp đỡ nhiều thành viên mới đầu tư tại tỉnh để giúp các thành viên nhanh chóng hội nhập và thành công tại tỉnh. Thúc đẩy mạnh mẽ sự tham gia tích cực, hỗ trợ trực tiếp, kịp thời từ đơn vị liên quan để kịp thời tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc của các thành viên tại địa phương, thúc đẩy sự phát triển hoạt động kinh doanh của thành viên thông qua các sự kiện kết nối và tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, CLB cũng sẽ cam kết tham gia tích cực các hoạt động cộng đồng… đồng hành cùng địa phương trong các hoạt động an sinh xã hội.

Cũng theo Chủ nhiệm CLB Doanh nghiệp FDI, nền tảng trong phát triển kinh tế là chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân viên nói riêng và người dân nói chung. Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp FDI mong muốn chính quyền cũng đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua việc giảm các hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo từ các cơ quan ban ngành để doanh nghiệp có thời gian tập trung đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất... Ngoài ra, tỉnh cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng các khu kinh tế, công nghiệp có như vậy mới có thể thu hút các dự án nhà ở, trường học, bệnh viện đạt chuẩn quốc tế, thu hút các chuyên gia, nguồn nhân lực có chất lượng cao về đầu tư và làm việc tại Thừa Thiên Huế…

Hoàng Anh