Hiệp định EVIPA sẽ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU vào Việt Nam

Đăng ngày: 04-08-2021, Lượt xem: 2187

Các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm đối tác đầu tư mới sau khi thoả thuận đầu tư giữa EU - Trung Quốc đã bị đình chỉ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam là quốc gia có quan hệ ngoại giao và thương mại chặt chẽ với các nước trong liên minh châu Âu khiến cho Việt Nam trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn. Đặc biệt, sau khi Việt Nam và EU đã hoàn tất phê chuẩn hiệp định này và 27 nước thành viên EU đang trong quá trình phê chuẩn EVIPA theo quy định của khối liên minh.


• Thư ngỏ của Tổng Giám đốc Công ty Scavi Huế về việc hỗ trợ, tuyển dụng làm việc tại công ty

• Lãi suất vay và chuyện “sống còn” của doanh nghiệp

• Đảm bảo giải quyết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong 1 ngày

• Ngân hàng Nhà nước triển khai gói 7.500 tỷ đồng cho vay trả lương ngừng việc

• Hướng dẫn Người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

• Công ty Scavi Huế thông báo tuyển dụng nhiều vị trí.


Quan hệ thương mại tốt đẹp

Hồi đầu tháng 6, các nhà lãnh đạo EU đã thông báo hiệp định đầu tư của khối liên minh này với Trung Quốc hiện đã không còn khả thi. Hiệp định Đầu tư Toàn diện (CAI) là một thoả thuận có “tham vọng chưa từng thấy” mà Trung Quốc ký kết với một vùng lãnh thổ, theo Uỷ ban châu Âu. Thoả thuận này cho phép các nhà đầu tư EU tiếp cận các lĩnh vực tiềm năng của thị trường Trung Quốc, chẳng hạn như phương tiện giao thông (đặc biệt là xe điện), giao thông hàng không, hàng hải, viễn thông, tin học, nghiên cứu và phát triển các nguồn tài nguyên sinh học, xây dựng, dịch vụ tài chính, bệnh viện tư nhân tại các đô thị lớn,... Tuy nhiên, vì các bất đồng nên phía châu Âu đã đình chỉ phê chuẩn.

Theo các chuyên gia Đức, Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi từ việc đỉnh chỉ phê chuẩn hiện định này. Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á trong thập kỷ vừa qua. Trong năm 2020, nước này vẫn giữ mức tăng trưởng dương bất chấp đại dịch Covid-19. Việt Nam cũng là nước hưởng lợi nhiều khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu vào năm 2018, khiến các công ty Mỹ và Nhật Bản chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam.

Về thương mại, quan hệ của Việt Nam và EU đã được cải thiện đang kể trong những năm gần đây. Năm 2020, Việt Nam trở thành đối tác lớn thứ 15 của EU về trao đổi thương mại hàng hoá, với kim ngạch thương mại song phương trị giá 43,2 tỷ Euro (51,2 tỷ USD), theo số liệu của Uỷ ban châu Âu. Trong đó cán cân xuất khẩu nghiêng về phía Việt Nam. Điều đó khiến EU trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Trong quý I/2021, giá trị hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt giá trị khoảng 10 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quan hệ đầu tư còn nhiều dư địa phát triển

Tuy nhiên, trong lĩnh vực đầu tư vào Việt Nam, EU lại là các nước đi sau. Theo số liệu của EU, tính đến năm 2019, tổng vốn đầu tư tích luỹ của EU vào Việt Nam đạt 7,2 tỷ USD. Con số này là rất nhỏ so với 60 tỷ USD đầu tư tích luỹ của Hàn Quốc và Nhật Bản vào Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhận được khoảng 15,3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó, 5,64 tỷ USD đến từ Singapore, tiếp đến là Nhật Bản (2,44 tỷ USD) và Hàn Quốc (2,05 tỷ USD). Đây cũng là 3 nhà đầu tư có vốn tích luỹ đầu tư vào Việt Nam lớn nhất.

Hiện nay, dòng vốn đầu tư vào Việt Nam từ châu Âu đã tăng đáng kể. Tính đến tháng 5/2021, luỹ kế vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Hà Lan (10,3 tỷ USD) đã vượt qua Hoa Kỳ (9,6 tỷ USD). Tuy nhiên, Pháp, Đức và Luxembourg – các quốc gia có dòng vốn đầu tư ra nước ngoài tương đối lớn lại chỉ là các nhà đầu tư lớn thứ 16,17 và 18 tại Việt Nam. Thuỵ Sĩ và Bỉ chỉ đứng ở vị trí 20 và 22.

Mặc dù con số cho thấy nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam từ EU chưa mạnh nhưng có rất nhiều dấu hiệu cho thấy thời điểm hiện tại đã chín muồi để các nhà đầu tư châu Âu tăng cường đầu tư. Trên thực tế, Việt Nam đã ký kết thành công nhiều hiệp định thương mại và đầu tư khác nhau. Điều này sẽ tạo ra môi trường kinh doanh an toàn cho các nhà đầu tư EU vào Việt Nam.

Bên cạnh hiệp định EVFTA có hiệu lực vào năm ngoái, Việt Nam cũng đang tham gia một loạt các thoả thuận thương mại khác như CPTPP hay RCEP. Bên cạnh đó, giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu còn tồn tại Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), được ký cùng lúc với hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, để hiệp định này có hiệu lực, tất cả các nước thành viên đều phải phê chuẩn thoả thuận. Hiện mới chỉ có 4 quốc gia châu Âu phê chuẩn EVIPA (Hungary, Romania, Litvia và Thuỵ Điển). Nếu được phê chuẩn và có hiệu lực sớm, đây sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư từ các quốc gia EU.

Nguồn: Báo Công Thương