Trang chủ / Bài đăng
Thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế vùng từ chuyển đổi số
Sáng ngày 29/4, tại trụ sở UBND tỉnh đã diễn ra chương trình "Bàn tròn chuyển đổi số: hợp tác, phát triển kinh tế vùng từ chuyển đổi số". Tham dự chương trình có ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh, Phí Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội tin học thành phố Hồ Chí Minh cùng hơn 30 tập đoàn, hãng công nghệ, doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Phát biểu mở đầu chương trình, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ (ảnh trên) cho biết, Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng và phát triển để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng. Thừa Thiên Huế đang tìm các chiến lược phát triển phù hợp mục tiêu phát triển Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trung tâm phát triển về lĩnh vực CNTT; Xây dựng chiến lược về đổi khởi nghiệp mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp KHCN và một đột phá trong thời gian đến; Tận dụng các thế mạnh, nền tảng đang có để phát triển về lĩnh vực kinh tế sáng tạo, kinh tế tuần hoàn gắn với đặc thù địa phương; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo với các nền tảng địa phương và kết nối với nguồn lực bên ngoài theo xu hướng hội nhập. Để thực hiện nhiệm vụ trên, tỉnh đang tập trung nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ tiên tiến, hiện đại; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp, tăng cường cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.
"Bàn tròn chuyển đổi số với chủ đề hợp tác, phát triển kinh tế vùng từ chuyển đổi số được tổ chức hôm nay là hoạt động để các cơ quan, các hiệp hội, các doanh nghiệp của các địa phương gặp gỡ, trao đổi về khả năng, nhu cầu, giải pháp và các chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số hướng đến kinh tế số, xã hội số", Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Báo cáo tổng quan về hiện trạng và nhu cầu chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Cung Trọng Cường - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển tỉnh cho biết, từ năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch 222/KH-UBND về triển khai chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 với mục tiêu tổng quát về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế là phát triển chính quyền số, xây dựng xã hội số, phát triển kinh tế số trong các ngành. Các dịch vụ đô thị thông minh đã triển khai với mục tiêu “Lấy người dân làm trung tâm; Doanh nghiệp làm động lực; Nhà nước kiến tạo”. Chiến lược chuyển đố số của tỉnh là 4 không 1 có (4 không: làm việc không giấy tờ, hội họp không tập trung, dịch vụ công không gặp mặt, thanh toán không tiền mặt; 1 có: Dữ liệu có số hóa).
Về nhu cầu chuyển đổi số cho các doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, TS. Dương Tuấn Anh (ảnh trên) - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết, năm 2020, dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực. Trong đó, ngành dịch vụ du lịch thiệt hại nặng nề với lượng khách giảm 60%; doanh thu du lịch giảm 64%; ngành vận tải hành khách cũng giảm trên 30%; xuất nhập khẩu giảm 16%; hơn 10.000 lao động bị thất nghiệp; doanh thu thiệt hại khoảng 11.000 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp điêu đứng, thậm chí phá sản với 418 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, 98 doanh nghiệp giải thể. Hiện tại, mặc dù chính phủ và chính quyền tỉnh đang khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, nhất là đối với các ngành nghề như: dịch vụ, y tế, giao thông vận tải, du lịch v.v…nhưng vẫn chưa tạo được những bước tiến vượt bậc như mong đợi.
Theo TS. Dương Tuấn Anh, trên địa bàn tỉnh đến nay có nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số và mang lại hiệu suất cao trong quản trị, điều hành sản xuất, tiết giảm chi phí, nguồn nhân công, xúc tiến đầu tư, giao thương… Tuy nhiên, khoảng 1/3 trong tổng số của gần 5.500 doanh nghiệp đang hoạt động của tỉnh vẫn đang được chèo lái một cách “bấp bênh”, chậm chạp, còn đang rất mơ hồ về khái niệm “Chuyển đổi số”. Các doanh nghiệp này đang đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%),...
Chia sẻ về Xây dựng Đô thị thông minh, chuyển đổi số của TP. Hồ Chí MInh, ông Phí Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung đào tạo về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước và trong doanh nghiệp; tuyên truyền, tăng cường sự tham gia của người dân; phát triển hạ tầng viên thông - CNTT (Trung tâm dữ liệu, mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng 5G,...), hạ tầng dữ liệu, hạ tầng IoT; xây dựng, hoàn thiện phần mềm ứng dụng, thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống thông tin.
Toàn cảnh hội nghị
Sau khi nghe các doanh nghiệp trao đổi, đưa ra các giải pháp, giới thiệu hợp tác thúc đẩy phát triển ứng dụng Chuyển đổi số, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định Chuyển đổi số là cơ hội và cũng là thách thức, đó cũng là chủ đề của tuần chuyển đổi số lần này. Thành công của chương trình đối thoại hôm nay là tìm giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp Thừa Thiên Huế nói riêng và doanh nghiệp toàn quốc nói chung. Sau hội nghị này, tỉnh sẽ chọn 100 doanh nghiệp để tổ chức các chương trình giới thiệu, đào tạo, huấn luyện về chuyển đổi số, giúp cho doanh nghiệp có những ứng dựng nhanh nhất, hiệu quả nhất. Sau hội nghị, các đơn vị cần bắt tay vào việc ngay, cụ thể hóa những nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra.
Chuyển đổi số là xu thế, là tất yếu trong thời đại ngày nay, chuyển đổi số là giải pháp quan trọng đối với tất cả các doanh nghiệp, là cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể phát triển nhanh hơn. Chuyển đổi số không chỉ nằm ở những công nghệ doanh nghiệp sử dụng mà còn là cách thức quản lý, tư duy nhận thức thay đổi. Doanh nghiệp phải đáp ứng được hai yếu tố là con người và dữ liệu.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển các nền tảng cơ bản xây dựng chính quyền điện tử theo kiến trúc chính quyền điện tử, tăng cường kết nối giữa các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ thuật số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp. Tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, đặc biệt trong việc cung cấp các dịch vụ công ích, khuyến khích các doanh nghiệp giới thiệu, cung cấp sản phẩm, dịch vụ số… Thu hút nguồn lực công nghệ thông tin; tăng cường mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, các trường, viện trong triển khai xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số.
Doãn Quan