Điều kiện để tiếp cận các gói hỗ trợ còn khá xa so với thực tế doanh nghiệp

Đăng ngày: 11-08-2021, Lượt xem: 2184

Ngân hàng Nhà nước giao Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các ngân hàng để giảm lãi suất, đồng thời các ngân hàng thương mại cũng có nhiều phương án để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, để các giải pháp này đi đúng trọng tâm, hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh thì cần lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp nhiều hơn nữa.


• Thủ tướng: Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trên tinh thần "Lợi ích hài hòa, rủi ro cùng chia sẻ"

• Lãi suất vay và chuyện “sống còn” của doanh nghiệp

• Đảm bảo giải quyết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong 1 ngày

• Ngân hàng Nhà nước triển khai gói 7.500 tỷ đồng cho vay trả lương ngừng việc

• Hướng dẫn Người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.


Thời gian qua, ngành ngân hàng có thể được xem là một kênh hỗ trợ doanh nghiệp rất tích cực. Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương vào cuộc ngay khi dịch bùng phát, kịp thời ban hành Thông tư 01, sau đó là Thông tư 03 tái cơ cấu, giãn hoãn các khoản vay dư nợ và lãi vay đến hạn, giảm lãi suất, phí, cùng nhiều cơ chế chính sách khác.

Tuy nhiên, vẫn cần có những hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực và trách nhiệm hơn nữa của tất cả các ngân hàng trong việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất theo tinh thần chỉ đạo của Thống đốc ngay từ đầu năm và theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: “Ý nghĩa quan trọng nhất lúc này là giúp cho doanh nghiệp có vốn vay ngân hàng, kết hợp với nguồn vốn của mình để doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn, tiếp tục kinh doanh”.

Trước đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, dự báo phục hồi kinh tế sẽ khó khăn hơn. Chính phủ đã triển khai rất nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn này. Tuy nhiên quá trình thực hiện chính sách còn hạn chế.

Theo ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Sunhouse, Chính phủ cần có nhiều giải pháp hỗ trợ các nhóm doanh nghiệp khác nhau, như doanh nghiệp nhỏ cần vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp lớn cần được mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để nguồn nhân sự chất lượng cao có thể làm việc trở lại bình thường. Vấn đề của doanh nghiệp lớn hiện nay là cần chia ra nhiều hướng để đa dạng thị trường, kênh phân phối, bình ổn doanh thu.

“Chúng ta nên chia nhóm doanh nghiệp để có các gói hỗ trợ, các doanh nghiệp lớn không cần hỗ trợ như các doanh nghiệp nhỏ khác, các doanh nghiệp lớn chiếm đến 80% đóng góp ngân sách thì lại cần câu chuyện hỗ trợ khác,ví dụ mở rộng sản xuất, từ đó tạo công ăn việc làm cho các doanh nghiệp vệ tinh” - ông Nguyễn Xuân Phú nói.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho rằng điều kiện để tiếp cận các gói hỗ trợ còn khá xa với so với thực tế doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp giảm 30 - 50% nhân công mới được hỗ trợ thì doanh nghiệp đó đã có thể phá sản.

“Mong muốn thứ nhất về chính sách lãi suất, hoãn, giãn nợ được duy trì và kéo dài vì tính năm 2021 vẫn là khó khăn. Thứ hai, vẫn mong Chính phủ tiếp tục là chỉ đạo đảm bảo được dịch ở Việt Nam kiểm soát tốt thì doanh nghiệp mới yên tâm và những khách hàng của May 10 toàn thế giới cũng sẽ yên tâm để đặt hang” - ông Thân Đức Việt đề nghị.

Trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ ban hành các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể để toàn ngành triển khai thực hiện, giảm lãi suất với những mức cụ thể. Một số ngân hàng đã triển khai ngay các phương án hỗ trợ như Vietcombank cho biết đã triển khai các gói hỗ trợ lãi suất, giảm lãi suất cho vay, tái cơ cấu dư nợ hiện hữu với tổng dư nợ hỗ trợ giảm lãi suất cho vay khoảng gần 400.000 tỉ đồng, Agribank triển khai gói tín dụng 20.000 tỉ đồng cho vay tiêu dùng với lãi suất từ 6,5%-7%/năm.

Ông Trần Long, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV cho biết, các ngân hàng đang nỗ lực giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.

“Thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí như những khoản lãi suất giảm 1 đến 2 % so với các khoản vay thông thường thì cũng sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cung cấp các sản phẩm dịch vụ trên cơ sở sản phẩm dịch vụ hệ sinh thái ngân hàng” - ông Trần Long nói.

Hiệp hội Ngân hàng vừa có báo cáo vướng mắc, bất cập của các ngân hàng trong việc thực hiện Thông tư 03/2021 của Ngân hàng Nhà nước và đề xuất giải quyết theo hướng nới rộng và làm rõ hơn các quy định tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó do Covid-19. Trong đó, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép không căn cứ vào số lần cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 khi thực hiện phân loại lại để xác định số tiền dự phòng cụ thể trích bổ sung để khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có thể được các ngân hàng thương mại cho phép cơ cấu nợ nhiều lần./.

Theo VOV1