Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp chống chọi đại dịch

Đăng ngày: 16-08-2021, Lượt xem: 2067

Đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp (DN) Thừa Thiên Huế nói riêng. Nhìn vào mặt tích cực, đây là “chất xúc tác”, khi đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số (CĐS) đang lan tỏa trên toàn cầu.


• Cẩm nang hướng dẫn đào tạo cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid 19

• Một số câu hỏi thường gặp khi thành lập công ty

• Công ty TNHH Hoàng Long cần tuyển nhân viên kinh doanh

• Ngân hàng Nhà nước triển khai gói 7.500 tỷ đồng cho vay trả lương ngừng việc

• Hướng dẫn Người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.


“Cửa sáng” từ chuyển đổi số

Thừa Thiên Huế hiện có gần 5.000 DN đang hoạt động. Với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ số cũng như sức ảnh hưởng nặng nề của đại dịch thời gian qua khiến nhiều DN nhận thức được sâu sắc tầm quan trọng của CĐS. Nó giúp các DN tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.

Theo Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Dương Tuấn Anh, đến nay, số DN đẩy mạnh số hoá, triển khai hình thức làm việc online, họp trực tuyến, số người dân thực hiện giao dịch trực tuyến tăng cao… Công nghệ thông tin, nền tảng hỗ trợ làm việc tại nhà, học online, giao dịch trực tuyến đã phát huy mạnh mẽ trong dịch bệnh.

COVID-19 cũng thúc đẩy các DN chú trọng đầu tư vào nền tảng số, qua đó tạo thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc từ xa thông qua nền tảng số kết nối trong DN. Nền tảng số còn giúp tiết giảm nhân lực, giảm chi phí thông tin và giao dịch; chuẩn hoá quy trình, phản ứng kịp thời, qua đó, giúp nâng cao hiệu quả trong việc cung cấp hàng hoá, dịch vụ; nâng cao chất lượng công việc và gia tăng năng suất.

Để nâng cao hiệu quả kinh doanh, DN Tấn Thành áp dụng các ứng dụng số, như phần mềm bán hàng hay định vị xe vận chuyển... Các phần mềm được kết nối đồng bộ từ đơn hàng của khách đến máy chủ của DN để kịp thời xử lý.

“Kinh doanh ngành hàng tiêu dùng với khách hàng đa phần là các đại lý - những đối tượng lâu nay vẫn “trung thành” với cách làm truyền thống, do đó chúng tôi chọn các ứng dụng số, phần mềm bán hàng thuận tiện, dễ thao tác cho khách hàng. Công ty đang nghiên cứu ứng dụng giao hàng nhanh, giao hàng tiết kiệm để tối ưu hoá chi phí, rút ngắn thời gian và đồng bộ với quy trình đang triển khai”, Giám đốc DN Tấn Thành, ông Trần Hữu Độ chia sẻ.

Đại diện hãng xe Thành Công cho biết, DN này hợp tác cùng Hue-S để nâng cao trải nghiệm khách hàng trên nền tảng di động, đặc biệt là đang “dịch chuyển taxi truyền thống sang taxi công nghệ” bằng nhiều dịch vụ và tính năng mới, hoàn thiện quy trình trải nghiệm của người dùng, từ lúc đặt xe cho đến khi kết thúc chuyến đi và thanh toán.

Cần cởi mở tư duy, thay đổi nhận thức

Tại Thừa Thiên Huế, sau những kinh nghiệm “khó quên” từ ảnh hưởng của dịch bệnh thời gian qua, nhiều DN đã tập trung đầu tư cho CĐS nhằm đảm bảo vừa phát triển kinh doanh vừa phòng dịch và có phương án thay đổi linh hoạt để có thể “sống chung” với COVID-19 lâu dài.

Tuy vậy, theo đánh giá của người đứng đầu Hiệp hội DN tỉnh, vẫn còn nhiều DN e dè CĐS bởi sự thụ động, chưa quyết liệt trong việc thay đổi bộ máy, thiếu kỹ năng và thiếu nguồn tài nguyên cần thiết, cũng như công nghệ chưa đáp ứng được nền tảng số.

“DN lớn ngại thay đổi cách vận hành, hoạt động sản xuất kinh doanh truyền thống, trong khi DN nhỏ hạn chế về tài chính khiến họ loay hoay trong hành trình CĐS. Nhưng ngược lại, các DN khởi nghiệp lại tiên phong trong xu hướng này”, ông Tuấn Anh cho hay.

Tại Tuần lễ Chuyển đổi số Huế 2021, ông Lâm Nguyễn Hải Long - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), Chủ tịch Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh (HCA) đánh giá, chính quyền Thừa Thiên Huế triển khai CĐS trước DN, đây là thuận lợi, nền tảng tốt để DN nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung phát triển.

“Với DN nhỏ, siêu nhỏ, để CĐS hiệu quả, điều quan trọng nhất các bạn cần là cởi mở về tư duy, thay đổi nhận thức. DN cần biết rõ mình muốn gì, cần gì, kỳ vọng trong tương lai như thế nào; còn thiếu gì để thỏa mãn dữ liệu đầu ra mà mình mong muốn”, Chủ tịch HCA nói.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Trí Hùng, để “bắt nhịp” hành trình CĐS, DN nên bắt tay theo 5 hướng chủ đạo, đó là: số hoá các sản phẩm và dịch vụ, số hoá tiếp thị và kênh phân phối, số hoá hệ sinh thái, số hoá quy trình sản xuất và số hoá chuỗi cung ứng.

Hiện, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình CĐS Quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030, Thừa Thiên Huế cũng có kế hoạch triển khai chương trình CĐS đến 2025; chiến lược CĐS ở quy mô quốc gia, tỉnh đã có lộ trình, đòi hỏi mỗi DN phải đặt mình vào tâm thế tập trung cho quá trình CĐS càng nhanh càng tốt để thích nghi với thực tiễn.

Bài, ảnh: Liên Minh