Tìm lối đi cho doanh nghiệp khởi nghiệp thời Covid-19

Đăng ngày: 01-09-2021, Lượt xem: 2063

Nền kinh tế Việt Nam đang đối diện những thách thức lớn từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4. Giới khởi nghiệp cũng chứng kiến những biến động trái chiều, bên cạnh hàng loạt startup thất bại là những startup thành công cả ở thị trường trong nước lẫn quốc tế. Vậy đâu là lối đi dẫn đến thành công cho startup trong bối cảnh dịch Covid-19?


• Thừa Thiên Huế có 7 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2021

• Từ 15/10, doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh sẽ được miễn lệ phí môn bài

• Thừa Thiên Huế: 03 doanh nghiệp tiếp cận với gói vay lãi suất 0%

• Thừa Thiên Huế triển khai hỗ trợ 100 doanh nghiệp chuyển đổi số

• Triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP: Đừng chờ dân đến mà phải tìm đến dân

• Ngân hàng Nhà nước triển khai gói 7.500 tỷ đồng cho vay trả lương ngừng việc

• Hướng dẫn Người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.


Thay đổi theo hành vi tiêu dùng

Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm năm 2021, trung bình mỗi tháng có gần 12.000 DN rút lui khỏi thị trường, rất nhiều trong số đó là startup. Covid-19 xuất hiện và trở thành một đại dịch toàn cầu, không ai có thể lường trước hay có bất kỳ sự chuẩn bị nào để ứng phó. Hoạt động kinh doanh của DN phải điều chỉnh liên tục với những thách thức lớn chưa từng có. Thực tế cho thấy, thất bại của DN có thể bắt nguồn từ nhiều lý do, cả chủ quan lẫn khách quan, nhưng mẫu số chung của những startup thành công trong thời gian vừa qua, là đều có mô hình kinh doanh phù hợp với hành vi của khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh.

Là một minh chứng sống cho việc chọn mô hình kinh doanh phù hợp trong tình hình mới, Cofounder và CEO của Got It (startup từ Silicon Valley) Trần Hùng đã thành công khi phát triển mảng giáo dục trực tuyến. Got It hiện thường xuyên ở trong top 10 ứng dụng giáo dục tại Apple Store của Mỹ. Công ty cũng đã được rót vốn đầu tư hơn 25 triệu USD.

Chia sẻ về cơ hội kinh doanh trong mùa dịch, anh Trần Hùng cho rằng, dịch Covid-19 xuất hiện đã khiến tình hình trong nước cũng như thế giới hoàn toàn thay đổi, kéo theo hành vi của người tiêu dùng thay đổi. Hành vi thay đổi ắt sẽ dẫn tới yêu cầu về sản phẩm và dịch vụ khác nhau.

Anh Hùng cho rằng, cho dù startup đi tiên phong về ý tưởng, tuy nhiên, ở hoàn cảnh nào, sản phẩm hoặc dịch vụ đều phải đáp ứng được nhu cầu của người dùng thì mới phát triển được. Bởi mục đích cuối cùng vẫn là phục vụ nhu cầu của khách hàng. Do đó, việc thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh hiện tại rất quan trọng.

Cùng chung quan điểm này, Chủ tịch kiêm CEO của Le Group of Company Lê Quốc Vinh chỉ ra rằng, hành vi tiêu dùng thay đổi khi dịch bùng phát chính là cơ hội mới nếu startup nào biết nắm bắt. Các kế hoạch cũ mặc dù rất hoàn hảo nhưng nó chỉ phù hợp ở thời điểm cụ thể, ở một giai đoạn mới, startup cần gác lại để tìm cơ hội khác.

Ông Vinh lấy dẫn chứng, sau khi dịch bùng phát, làm việc từ xa nổi lên như một giải pháp lý tưởng để vừa chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động của DN. Cùng với đó, các nền tảng phục vụ cho hoạt động từ xa cũng bùng nổ. Đây không còn là xu thế mà là cơ hội cho startup nếu họ nhận thấy được thay đổi trong hành vi người dùng và đáp ứng được chúng. Nhận thấy cơ hội, các startup phải lao vào, buộc quyết định nhanh bởi không thể chờ chắc chắn thành công mới làm.

Chuyển đổi số là “liều thuốc tăng lực”

Trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh, nhiều DN biến đó thành cơ hội làm động lực thúc đẩy bước sâu vào cuộc chơi số, chuyển đổi công nghệ để thích nghi với bối cảnh phát triển mới. Thực tế, việc ứng dụng công nghệ vào vận hành bộ máy quản trị, kinh doanh đã giúp nhiều DN có sự kết nối tốt hơn, phục hồi sản xuất và mở rộng thị trường.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Mạng lưới Viettel Lê Bá Tân cho biết, trong giai đoạn hiện nay, ngành nào tận dụng chuyển đổi số sẽ có được cơ hội bứt phá. Trước sự bất ổn định mà dịch Covid-19 tạo ra, công nghệ số sẽ đóng vai trò quan trọng giống “liều thuốc tăng lực” trong việc hỗ trợ các startup tồn tại ổn định và vượt khó phát triển.

Lấy câu chuyện từ chính Viettel, ông Tân cho biết, chuyển đổi số đã được thúc đẩy mạnh mẽ từ trước khi đại dịch nổ ra. Số hóa không chỉ là xu hướng mà còn là chìa khóa để đảm bảo tăng trưởng. Năm 2020, Viettel ghi dấu giá trị thương hiệu đứng số 1 Đông Nam Á, thứ 9 châu Á với định giá 5,8 tỷ USD. Theo đánh giá của Brand Finance, Viettel là nhà mạng có chỉ số sức mạnh thương hiệu tăng trưởng tốt nhất toàn cầu. Căn nguyên để Viettel đạt được những thành tựu trong năm 2020 là do tập đoàn đặc biệt chú trọng đẩy nhanh các hoạt động chuyển đổi số trong nội bộ, chuyển dịch mạnh mẽ và thành công từ nhà cung cấp viễn thông sang nhà cung cấp dịch vụ số.

Dưới góc độ một chuyên gia chuyển đổi số, Phó Tổng giám đốc Dr SME tư vấn tái cấu trúc và chuyển đổi số Vũ Tuấn Anh cho biết, đây là thách thức nhưng cũng là một cơ hội lớn để các tổ chức, DN Việt Nam nói cung, các DN khởi nghiệp nhìn nhận lại, đưa ra các phương án tái cấu trúc, cải cách mô hình kinh doanh; là động lực to lớn để chuyển đổi số, tập trung vào số hóa cũng như thực hiện giao dịch thông qua nền tảng internet. Đặc biệt, các DN khởi nghiệp, mới gia nhập thị trường thì càng phải có giải pháp trong việc khai thác thế mạnh của công nghệ thông tin. Hơn nữa, các DN khởi nghiệp cần phải tận dụng chuyển đổi số để phát huy sức mạnh kết nối với các hiệp hội, khách hàng, đối tác, cơ quan chức năng, Chính phủ… tận dụng các hỗ trợ về kỹ thuật, chính sách, thông tin về thị trường.

Theo Kinh tế và Đô thị