Trang chủ / Bài đăng
Xây dựng chỉ tiêu đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp
Hội thảo trực tuyến “Cơ sở đo lường và đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020 - 2025” được Viện Nghiên cứu phát triển phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tổ chức 28/9.
• Nhiều chính sách tài chính giúp doanh nghiệp vượt khó
• Triển khai các chính sách hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
• Doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn để “sinh tồn”
• Thừa Thiên Huế có 7 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2021
• Công nghệ là yếu tố then chốt để xây dựng Hệ thống giải pháp quản lý rủi ro của doanh nghiệp
• Thừa Thiên Huế: 03 doanh nghiệp tiếp cận với gói vay lãi suất 0%
• Thừa Thiên Huế triển khai hỗ trợ 100 doanh nghiệp chuyển đổi số.
Hội thảo có sự tham vấn của các chuyên gia đến từ Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ; VCCI, các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) trong và ngoài tỉnh.
Xây dựng 12 tiêu chí đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp
Theo đánh giá của ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển, những năm qua, Thừa Thiên Huế đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hỗ trợ xây dựng và phát triển hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh. Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Đề án 844, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Các hoạt động hỗ trợ phát triển hệ sinh thái KNĐMST phát triển đã thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và nâng cao tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng, một số ý tưởng khởi nghiệp đã hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp và đang hoạt động hiệu quả.
Để hoàn thiện phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo lập môi trường thuận lợi thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp, UBND tỉnh đã giao nhiệm cho Viện Nghiên cứu phát triển nghiên cứu xây dựng cơ sở đo lường và đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020 - 2025. Với việc hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá, khảo sát sẽ là nền tảng thúc đẩy phát triển doanh nghiệp KNĐTST cũng như làm cơ sở đánh giá chất lượng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn.
Bà Trương Thị Hương Giang, Viện Nghiên cứu phát triển cho biết, chỉ số khởi nghiệp toàn cầu được đề xuất bởi Global Entrepreneurship Monitor (GEM). Trên cơ sở các chỉ số trên, nhóm nghiên cứu đề xuất 12 tiêu chí đánh giá hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn bao gồm: các nguồn tài trợ cho các doanh nhân; chính sách và các hỗ trợ của chính quyền; thuế và bộ máy quản lý; giáo dục và đào tạo khởi nghiệp cơ bản trong trường học; cơ sở hạ tầng các dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp; sự năng động của thị trường nội địa; độ mở cửa thị trường nội địa; cơ sở hạ tầng vật chất và dịch vụ…
Trên cơ sở những chỉ tiêu do nhóm nghiên cứu đề ra, các chuyên gia đã tiến hành thảo luận, góp ý nhằm đi đến hiệu chỉnh và đề xuất chỉ số đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp cấp tỉnh, làm cơ sở đo lường, đánh giá trên địa bàn tỉnh, đồng thời hỗ trợ các tỉnh trên toàn quốc trong công tác đánh giá hiệu quả hoạt động KNĐMST.
Tiêu chí phải phù hợp với thực tế địa phương
Theo Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp, VCCI, việc xác định hiện trạng, vị trí cũng như đánh giá tình hình phát triển của một hệ sinh thái KNÐMST là cần thiết. Ðó là cơ sở để các nhà quản lý, các doanh nghiệp khởi nghiệp xây dựng chiến lược phát triển.
Tuy nhiên, mỗi địa phương nên xây dựng 1 bộ chỉ số riêng làm cơ sở đo lường đánh giá về hệ sinh thái khởi nghiệp vì mỗi địa phương sẽ có những điều kiện, đặc điểm cũng như một văn hóa khác nhau. Ngoài ra, các địa phương khi xây dựng bộ tiêu chí đánh giá nên bổ sung chỉ tiêu đánh giá mức độ bền vững của hệ sinh thái thông qua việc đánh giá mức độ bền vững về văn hóa doanh nghiệp, nguồn nhân lực, mức độ chống chịu với các nguy cơ…
Các đại biểu tham dự đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm cũng như cách thức triển khai đánh giá, bổ sung các chỉ tiêu trong đo lường và đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp. Đa phần đều cho rằng các chỉ số của GEM chỉ là cơ sở để tham khảo, tùy vào thực tế địa phương nên có những tiêu chí cứng ưu tiên đưa vào đánh giá, các tiêu chí cần được cụ thể hóa hơn và nên điều chỉnh theo hướng thích hợp tùy vào từng giai đoạn khác nhau.
Ông Cung Trọng Cường nhấn mạnh, dưới tác động của dịch COVID-19 đã tạo nên những thay đổi về nội tại của doanh nghiệp. Theo đó, những tham số, chỉ tiêu trước đó được sử dụng để đánh giá không còn thích hợp, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng đã thay đổi theo hướng thích ứng phù hợp với doanh nghiệp. Tùy từng thời kỳ sẽ có những thay đổi trong việc đánh giá, vì thế các tiêu chí đánh giá sẽ không hề cứng nhắc mà luôn được điều chỉnh.
Để triển khai đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp phù hợp với thực tế địa phương, Viện sẽ tăng tốc thực hiện các nội dung điều chỉnh các tiêu chí trên cơ sở tham vấn góp ý của các chuyên gia nhằm hoàn thiện bộ tiêu chí của địa phương. Trên cơ sở đó, Viện sẽ triển khai khảo sát mẫu trên địa bàn vào cuối năm nhằm góp phần quan trọng trong việc hoạch định các chiến lược kinh tế, xã hội chung trên toàn tỉnh.