Hỗ trợ phục hồi kinh tế

Đăng ngày: 27-12-2021, Lượt xem: 1565

COVID-19 đã làm trầm trọng thêm những “khuyết tật” của doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ. Nền kinh tế của Việt Nam có đến 98% DN vừa và nhỏ, trong đó có khoảng 1,6% là DN vừa. Nghĩa là DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ áp đảo. Bên cạnh đấy là hộ kinh doanh cá thể, cả nước ước chừng có 5 triệu hộ. DN nhỏ và siêu nhỏ hoặc hộ kinh doanh cá thể phần lớn là hoạt động ở lĩnh vực dịch vụ.

Dịch COVID-19 diễn ra, chúng ta quan sát thấy khu vực này là ảnh hưởng nặng nề nhất. Ở Thừa Thiên Huế cũng nằm trong tình trạng chung. Những tuyến đường được cho là sầm uất nhất ở TP. Huế trước đại dịch người mua kẻ bán tấp nập; du lịch phát triển kéo theo sự phát triển của nhiều mảng dịch vụ khác. Nay “bỗng dưng” cửa đóng then cài. Người lao động thất nghiệp, không ít chủ DN, chủ cơ sở kinh doanh rơi vào tình cảnh thiếu vốn, nợ nần…

DN nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể có lợi thế là do quy mô bộ máy nhỏ, vốn ít nên họ khá “uyển chuyển” trong xoay xở, nhưng đây cũng là điểm yếu muôn thuở – nguồn vốn hết sức hạn hẹp. Thấy du lịch phát triển, không ít người mạnh dạn thuê cơ sở để kinh doanh đủ loại hình. Có người còn thuê cả mặt bằng, bỏ vốn đầu tư từ đầu thành cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà hàng ăn uống. Gần hai năm qua dòng tiền bị đứt, chẳng hiểu họ xoay xở thế nào? Chắc chắn trong số đó có không ít người rời khỏi cuộc chơi kinh doanh.

Nước lụt thì lút cả làng! Không có bất cứ khu vực nào không bị ảnh hưởng, nhưng các DN có quy mô lớn, trường vốn thì dễ phục hồi và sớm bắt kịp đà phát triển. Có những lĩnh vực trong dịch ít bị ảnh hưởng. Chẳng những thế mà xem ra có những lợi thế. Ví dụ như mảng công nghiệp - xây dựng ở Thừa Thiên Huế năm 2021 ước có mức tăng trưởng 7,74%, trong đó riêng công nghiệp đạt mức tăng trưởng đến 8,42%. Riêng ngành công nghiệp dệt may ở Thừa Thiên Huế, chẳng những không bị ảnh hưởng mà còn có mức tăng trưởng khá cao. Điều này có thể thấy qua chỉ số kim ngạch xuất, nhập khẩu (ngành này chiếm phần lớn trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh). Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 1.022 triệu USD, tăng 19,2%; kim ngạch nhập khẩu đạt 800 triệu USD, tăng đến 47,3%. Trong cơ cấu kinh tế, lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất 46,5% nhưng lại có mức tăng trưởng dường như không đáng kể, tức là khu vực này bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Giờ đây, Chính phủ đang bàn gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. Đương nhiên lĩnh vực nào cũng cần sự hỗ trợ. Nhưng có vẻ như tìm giải pháp để hỗ trợ khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất, loại hình DN nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể là khó khăn nhất. Có nhiều hình thức hỗ trợ, nhưng hình thức đáng kể nhất là qua trung gian ngân hàng, bằng cách giãn nợ, cơ cấu lại nợ; hỗ trợ lãi suất, cho vay mới… Nhưng cứ hình dung, nếu không vay được thì việc hỗ trợ lãi suất cũng không có mấy ý nghĩa. Một số liệu từ Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, qua khảo sát chỉ có từ 38 -45% DN dạng này được tiếp cận vốn vay.

Nguyên nhân thì dễ nhận thấy, đó là các rào cản về điều kiện vay. Có nguồn tiền đấy, nhưng “cầm nắm” được không dễ. Ví dụ như tài sản đảm bảo. Ngân hàng cho vay với điều kiện có tài sản đảm bảo. Không có tài sản thì khó giải ngân, nếu không muốn nói là không thể. Nhưng DN nhỏ và siêu nhỏ lại rất thiếu điều kiện này?

Muốn vay vốn phải có tài sản đảm bảo. Muốn tạo ra tài sản thì DN phải hoạt động, mà hoạt động thì cần vốn. Nó giống như chuyện, chẳng biết con gà hay trứng có trước? Chỉ có gói hỗ trợ được thiết kế như thế nào để DN nhỏ và siêu nhỏ dễ tiếp cận mới giải quyết được vấn đề này. Mà điều này, giờ chỉ trông chờ vào sự thiết kế chính sách của Chính phủ làm sao gói hỗ trợ dễ tiếp cận. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, chính sách hỗ trợ cần phù hợp với đối tượng là hộ kinh doanh cá thể, các DN nhỏ và siêu nhỏ, bởi nhóm này bị tác động mạnh do biện pháp siết chặt để chống dịch. Nhưng nhóm này góp phần quan trọng trong giảm tải áp lực an sinh xã hội, cũng như tạo động lực kích cầu trong tương lai.

Theo Báo Thừa Thiên Huế