Trang chủ / Bài đăng
Mở đường' cho hàng Việt sang Anh nhưng UKVFTA không chỉ có 'màu hồng'?
Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Anh (UKVFTA) đã có hiệu lực từ ngày 1/5, sau khi có hiệu lực tạm thời từ ngày 1/1. Xuất khẩu hàng hóa sang Anh đã tăng trưởng rõ rệt nhờ Hiệp định này và dự báo sẽ ngày càng tăng tốc trong thời gian tới.
UKVFTA được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam và Anh duy trì các điều kiện thương mại ưu đãi và lợi ích kinh tế thông qua các cam kết mở cửa thị trường đã có trong FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Xuất khẩu tăng ấn tượng
Theo nhận định của Bộ Công Thương, các FTA thế hệ mới, trong đó UKVFTA đã, đang và sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi hơn cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản.
Ngay khi UKVFTA có hiệu lực tạm thời trong tháng 1/2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Anh đạt 657,35 triệu USD, tăng 78,57% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 598,07 triệu USD, tăng lần lượt 84,61% so với tháng 1/2020 và 56,51% so với tháng 12/2020. Đây là mức tăng trưởng thực sự ấn tượng trong bối cảnh xuất khẩu sang nhiều bạn hàng lớn gặp khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải Quan cũng cho biết, tới hết quý I/2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Anh đạt hơn 1,63 tỷ USD. Trong đó, cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư hơn 1,3 tỷ USD.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Công Thương, riêng xuất khẩu sang thị trường Anh trong 3 tháng đầu năm ghi nhận tăng 22,1%.
Cụ thể, giá trị xuất khẩu của hàng Việt Nam vào thị trường Anh đạt gần 1,47 tỷ USD. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn trị giá hơn 100 triệu USD như: Hàng dệt may; sản phẩm giày dép; Điện thoại, linh kiện và Máy móc, thiết bị. Nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh, kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản hay dệt may vẫn giữ vững mức tăng ổn định và tích cực.
Về nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu từ Anh lượng hàng hóa trị giá hơn 164,8 triệu USD. Trong đó, những mặt hàng có giá trị nhập khẩu cao nhất là máy móc, thiết bị (37,72 triệu USD); Dược phẩm (25,79 triệu USD) và sản phẩm hóa chất (13,72 triệu USD).
Bộ Công Thương cho biết, dư địa tăng trưởng thị trường tại Anh cho sản phẩm Việt Nam còn rất lớn bởi tất cả các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam chỉ chiếm không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỷ USD (2019) của Anh. Mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh.
Nhiều mặt hàng có trị giá xuất khẩu hàng chục tỷ USD mỗi năm của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ… còn nhiều dư địa tăng trưởng, thậm chí đồ gỗ Việt còn được đánh giá có sức cạnh tranh khá tốt tại thị trường này.
Theo cam kết trong UKVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào Anh được giảm từ mức thuế cơ bản 10-20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Với mặt hàng hoa quả, khi Hiệp định có hiệu lực hơn 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả có mức thuế suất 0%.
Đánh giá về tiềm năng của nhóm hàng này, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhận định: "Đây đều là những ngành hàng có nhiều cơ hội nâng cao giá trị xuất khẩu, tỷ trọng trong cơ cấu thị trường thông qua nhiều ưu đãi về thuế quan trong Hiệp định UKVFTA".
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như: Vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… sẽ có thêm lợi thế tiếp cận thị trường trong bối cảnh các loại hoa quả nhiệt đới xuất xứ từ các quốc gia cạnh tranh như Brazil, Thái Lan, Malaysia… đều chưa có FTA với Anh.
Bên cạnh nông, thủy sản, các mặt hàng thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng được dự báo sẽ có mức tăng trưởng ấn tượng trong thời gian tới.
Cơ hội song hành cùng thách thức
Giống như các FTA khác của Việt Nam, UKVFTA không chỉ toàn "màu hồng".
Nhận định về tiềm năng của UKVFTA với ngành dệt may, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang nhấn mạnh, cùng với các FTA khác như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), EVFTA, UKVFTA sẽ tạo ra cho ngành dệt may nền tảng thương mại vững chắc hơn và có sự tương hỗ lẫn nhau.
Ngành dệt may Việt Nam có thể đa dạng hóa nguồn nguyên liệu nhờ việc nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc để xuất khẩu sang Anh, EU mà vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi. Đây là thế mạnh mà nhiều nước trong khu vực ASEAN không có. Tuy nhiên, cơ hội mở ra luôn song hành cùng thách thức. Các tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía Anh rất cao.
Ông Vũ Đức Giang cho hay: "Để tận dụng được cơ hội mở ra tốt hơn nữa, doanh nghiệp cần chuyển hướng nhập khẩu nguyên phụ liệu, sử dụng các nguyên liệu sản xuất trong nước, đẩy mạnh tính liên kết, hợp tác. Ngoài ra, các yếu tố về rào cản kỹ thuật, lao động, môi trường... cũng cần được tiếp cận, tuân thủ để hưởng ưu đãi khi xuất khẩu".
Các chuyên gia của Bộ Công Thương cũng nhận thấy, UKFVTA đặt ra những thách thức trong việc tận dụng cam kết cũng như sức ép đối với thị trường trong nước.
Những cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho Anh sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ trong nước, đặc biệt là trong những ngành Anh có thế mạnh như dịch vụ tài chính, dược phẩm, các mặt hàng hóa chất…
hông những thế, rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía Anh là rất chặt chẽ. Điển hình như với mặt hàng nông sản, dù UKVFTA kế thừa những ưu đãi với những quy định SPS linh hoạt trong EVFTA nhưng đa số ngành hàng nông sản của nước ta vẫn vấp phải những hạn chế do thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế.
Các chuyên gia của Bộ Công Thương khẳng định: "Để khai thác hiệu quả lớn từ Hiệp định UKVFTA, một trong những việc các doanh nghiệp Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường.
Song song với đó, doanh nghiệp cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh".