Chủ tịch Thừa Thiên Huế: Phấn đấu sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Đăng ngày: 24-01-2022, Lượt xem: 3070

Ngày 13/11/2020, Quốc hội khoá XV ra Nghị quyết số 38 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Các cơ chế, chính sách đặc thù có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 gồm 6 cơ chế, chính sách và được phân theo 3 nhóm. 


• Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm, chúc Tết người nghèo, lao động khó khăn tại Thừa Thiên Huế

• Tỷ phú Michael Bloomberg: Cho đi là cách bạn nhận lại

• Ngành hàng kinh doanh bán lẻ năm 2021: Thích nghi trạng thái bình thường mới

• Thừa Thiên Huế: Tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới

• Sở Khoa học và Công nghệ, huyện Phú Lộc dẫn đầu bảng chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh năm 2021

• Kinh tế Việt Nam năm 2022: Thách thức và kỳ vọng

• Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương chúc mừng năm mới 2022


Đây là cơ hội để một địa phương có nhiều di tích lịch sử quốc gia, có di sản văn hóa thế giới như tỉnh Thừa Thiên Huế huy động nguồn lực toàn xã hội nhằm gìn giữ giá trị văn hóa, lịch sử. Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chia sẻ về vấn đề này.

• Thưa ông, Nghị quyết số 38 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Xin ông cho biết những nội dung chính của Nghị quyết này? Và những yếu tố đặc thù mang tính vượt trội nào sẽ tạo đà cho địa phương tăng tốc phát triển?

Ông Nguyễn Văn Phương: Các cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế được Quốc hội thông qua, gồm có 6 cơ chế, chính sách, được phân theo 3 nhóm cụ thể:

Nhóm thứ 1 là về cơ chế bảo tồn và trùng tu, phát huy các giá trị di tích, di sản bao gồm 2 cơ chế, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho công tác trùng tu, tôn tạo hệ thống di tích, di sản của quốc gia và thế giới.

Một là, chính sách phí tham quan di tích: Thừa Thiên Huế được để lại 100% số thu từ nguồn thu phí tham quan để thực hiện công tác bảo tồn, trùng tu di tích Cố đô Huế. Hai là Trung ương thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế, ủy quyền cho Tỉnh quản lý, hoạt động theo quy định của Nghị định Chính phủ nhằm huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, ngân sách của các tỉnh/thành phố đóng góp để đầu tư cho các công trình, chưa được ngân sách Nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ.

Nhóm thứ 2 là nhóm quản lý tài chính ngân sách gồm 3 cơ chế, chính sách. Đây là nhóm cơ chế, có tính chất lâu dài, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

• Vậy tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng chương trình hành động ra sao để nhanh chóng đưa Nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống?

Ông Nguyễn Văn Phương: Tỉnh đang tập trung chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Kế hoạch triển khai Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết thành các nhiệm vụ cụ thể gắn với việc phân công, trách nhiệm các cấp, các ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện; để sớm đưa các cơ chế, chính sách vào cuộc sống và phát huy tối đa hiệu quả để tăng thêm nguồn lực, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, sớm đạt mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế - thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

• Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ ban hành và thực hiện những chính sách gì để phát triển đô thị Huế trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Phương: Tỉnh sẽ tập trung một số giải pháp trọng tâm: Đó là cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế dựa trên các lợi thế ngành dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Trong đó, chúng tôi chọn du lịch là mũi nhọn; dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực là nòng cốt; công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao là bứt phá và kinh tế biển là thiết yếu.

Thứ 2 là đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị.

Thứ 3 là phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin và đô thị đồng bộ, hiện đại và thông minh.

Thứ tư là thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển kết cấu hạ tầng và các ngành kinh tế mũi nhọn. Tập trung xây dựng các chính sách hỗ trợ các Doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, có giá trị gia tăng cao…

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra các cơ sở sản xuất trên địa bàn.

• Theo phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong năm 2022, địa phương sẽ tập trung vào những vấn đề gì để vượt qua khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19, khẩn trương phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh?

Ông Nguyễn Văn Phương: Năm 2022 trong bối cảnh diễn biến dịch vẫn còn phức tạp, kéo dài; dự báo tiếp tục có những khó khăn, tuy nhiên, chúng tôi phấn đấu tốc độ tăng trưởng ở mức khá cao đó là 6,5 đến 7,5% và tập trung một số nhiệm vụ và giải pháp: Thứ nhất, xây dựng kế hoạch, kịch bản phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế trong tình hình mới, nhanh chóng đưa các dự án vào hoạt động.

Mặt khác, cải thiện môi trường đầu tư theo hướng xử lý triệt để các vướng mắc cho từng dự án, hoàn tất thủ tục nhanh nhất có thể để tập trung phát triển kinh tế - xã hội; tập trung các dự án trọng điểm khởi công trong năm; phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Theo VOV