Thừa Thiên Huế: Kết hợp hài hòa giữa ưu tiên phòng, chống dịch và phát triển kinh tế xã hội

Đăng ngày: 08-07-2021, Lượt xem: 2043

Chiều 7/7, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương (ảnh trên) chủ trì phiên UBND tỉnh thường kỳ tháng 6/2021. Đây là Phiên họp hết sức quan trọng nhằm đánh giá những kết quả 6 tháng đầu năm, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2021 và thảo luận thông qua một số đề án quan trọng khác.

Thu ngân sách tăng trong 6 tháng đầu năm 

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhằm hạn chế tác động, ảnh hưởng của dịch đối với phát triển KT - XH, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để điều hành linh hoạt, sáng tạo nhiệm vụ phát triển KT- XH. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%. Trong đó, du lịch, dịch vụ tăng trưởng 4,86%, chiếm 47,74% trong cơ cấu kinh tế; công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 30,33%, tăng trưởng 6,91%; sản xuất nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng 12,64%, tốc độ tăng trưởng 4,66%.

Điểm sáng đáng chú ý là thu ngân sách ước đạt 5.357 tỷ đồng, bằng 88,3% dự toán và tăng 33,4% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 11.772 tỷ đồng, bằng 43,6% kế hoạch, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch đầu tư công ước đạt 25,5% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 500 triệu USD, tăng 35,2% so với cùng kỳ và đạt 54,4% kế hoạch năm. Toàn tỉnh đã huy động vốn ước đạt 54.600 tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm... 

Tham gia ý kiến tại cuộc họp, các thành viên UBND tỉnh cho rằng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tác động đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh; quy mô nền kinh tế nhỏ, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, do vậy đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại đã tác động trực tiếp đến ngành du lịch, lượng khách giảm mạnh. Một số năng lực mới ngành công nghiệp tạo giá trị gia tăng đi vào hoạt động, song chưa có nhân tố mới đột phá, góp phần tăng trưởng quy mô nền kinh tế. Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 nên các dự án khởi công mới cần có thời gian để hoàn thành các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán và tổ chức đấu thầu nên đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án cũng như giải ngân vốn đầu tư công. Đời sống một bộ phận người lao động, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh... 

Kiên định thực hiện “mục tiêu kép” 

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, trên cơ sở đánh giá sát và phân tích kỹ tình hình, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, thời gian tới tỉnh tiếp tục nhất quán quan điểm là phải kiên định mục tiêu thực hiện hài hòa, thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa thúc đẩy phát triển KT- XH. Trên tinh thần này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu từng thành viên UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương bám sát các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hành động, không để công việc trì trệ; đổi mới tư duy, phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng bám sát thực tiễn, nhận diện đúng tình hình để đưa ra quyết sách kịp thời, chính xác, đạt hiệu quả cao nhất. 

Về những nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cần tập trung cao độ, dành mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa ưu tiên phòng, chống dịch và phát triển KT-XH. Theo dõi sát tình hình, phân tích, dự báo và cập nhật kịch bản tăng trưởng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, điều chuyển nguồn vốn đầu tư công cho công trình, dự án khác nếu chủ đầu tư không làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, không đảm bảo tiến độ giải ngân. Tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, tiết giảm tối đa chi thường xuyên. Chú trọng đạ dạng hoá thị trường xuất khẩu, tích cực tìm kiếm thị trường mới. Theo dõi sát tình hình xuất khẩu nông sản, kịp thời tháo gỡ khó khăn, ách tắc, bảo đảm thông quan thuận lợi, an toàn. 

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, UBND cấp huyện phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó, chú trọng chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Hoàn thiện phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực. Quan tâm lĩnh vực lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời. Tổ chức triển khai ngay chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. 

Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT- XH 6 tháng cuối năm 2021 được UBND tỉnh thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị các cấp, các ngành thống nhất, đồng lòng, cùng quyết tâm triển khai ngay các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra. 

Tại cuộc họp, các thành viên UBND tỉnh đã cho ý kiến thông qua các Đề án, Báo cáo, Tờ trình trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thường kỳ lần 2, HĐND tỉnh khóa VIII như: Điều chỉnh phương án phân bổ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Quy định mức thu học phí của các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2021-2022; Nghị quyết về bố trí và quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên thú y và Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; mức phụ cấp hằng tháng đối với Thôn đội trưởng và mức trợ cấp ngày công lao động đối với lực lượng Dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;Chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với một số dự án; Điều chỉnh, bổ sung danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác năm 2021 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; việc áp dụng Bảng giá đất trên địa bàn tỉnh khi triển khai Nghị quyết số 1264/NSS-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính cá đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế...

Theo www.thuathienhue.gov.vn