Trang chủ / Bài đăng
Nhiều doanh nghiệp có tâm lý e ngại gói hỗ trợ lãi suất
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, các ngân hàng thương mại thông qua rất nhiều cuộc họp cũng như lấy ý kiến bằng văn bản để xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 31, ngành ngân hàng đã rất tích cực triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh thực hiện chính sách, như: Ban hành Thông tư hướng dẫn, Chỉ thị chỉ đạo và nhiều văn bản đôn đốc các ngân hàng thương mại và chi nhánh Ngân hàng Nhà nước 63 tỉnh, thành phố; Tổ chức các Hội nghị toàn quốc và các Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại địa phương; Thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Các ngân hàng thương mại cũng chủ động rà soát để nắm bắt nhu cầu, thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục; tích cực truyền thông, thông tin về chính sách; Khảo sát, nắm bắt thực tế triển khai tại địa phương.
“NHNN đã truyền thông rất tỉ mỉ, rất cụ thể, rất đầy đủ để các doanh nghiệp nắm bắt được quyền lợi. Có thể nói chưa có một chính sách nào mà ngành ngân hàng triển khai đồng bộ với tinh thần quyết liệt và khẩn trương như chính sách hỗ trợ lãi suất 2%. Còn việc tham gia hay không tham gia là quyền của doanh nghiệp” – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết.
Gói hỗ trợ lãi suất 2% đang bị "tắc" do nhiều vướng mắc (Ảnh minh họa)
Thông tin cụ thể về gói hỗ trợ này, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tính đến cuối tháng 11, mới đạt doanh số cho vay gói hỗ trợ mới đạt gần 30.000 tỷ đồng, với dư nợ gần 23.000 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất chỉ đạt gần 78 tỷ đồng.
Đại diện NHNN cho biết, qua khảo sát và báo cáo của các ngân hàng thương mại, vướng mắc lớn nhất khiến kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp, đó là do tâm lý e ngại của các khách hàng.
Cụ thể, các doanh nghiệp e ngại khi tham gia chương trình hỗ trợ giảm lãi suất, phải tuân thủ các thủ tục liên quan đến hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán về sau. Họ cân nhắc giữa lợi ích của việc được hỗ trợ 2% so với chi phí bỏ ra khi phải theo dõi hồ sơ, sổ sách và các quy định liên quan để phục vụ cho công tác kiểm tra, hậu kiểm sau này.
“Trong trường hợp bị thu hồi khoản hỗ trợ, bản thân doanh nghiệp sẽ rất khó xử lý, bởi việc hạch toán và chia cổ tức một khi đã thực hiện thì sẽ khó thu lại” – bà Hà Thu Giang cho biết.
Bên cạnh đó, theo quy định, để được hưởng hỗ trợ, các doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi. Các doanh nghiệp và ngân hàng cho rằng, dù đánh giá doanh nghiệp có khả năng trả nợ, tuy nhiên trong bối cảnh nền kinh tế có sự biến động lớn hiện nay, việc đánh giá doanh nghiệp có khả năng phục hồi hay không là rất khó khăn.
Nếu tại thời điểm thanh kiểm toán, doanh nghiệp được đánh giá không có khả năng phục hồi thì có thể bị thu hồi lại phần tiền đã được hỗ trợ hoặc bị quy trục lợi chính sách.
Dù vậy, theo bà Hà Thu Giang, ngay cả trong trường hợp có tháo gỡ được vướng mắc về mặt cơ chế chính sách, tức là có hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí đánh giá khả năng phục hồi của doanh nghiệp thì khả năng hấp thụ chính sách có thể tăng lên nhưng khó có thể hấp thụ hết gói 40.000 tỷ đồng. Bởi vì theo khảo sát, tâm lý e ngại của doanh nghiệp hiện nay đã lên tới 67%.
Ngoài ra, theo đánh giá của các ngân hàng thương mại, hầu hết doanh nghiệp hiện nay kinh doanh đa ngành nghề, có ngành nghề được hỗ trợ, có ngành thì không, việc bóc tách ra để hỗ trợ là rất khó khăn. Mặt khác, điều kiện thị trường hiện tại khác nhiều so với thời điểm xây dựng chính sách. Các doanh nghiệp mong muốn các chính sách hỗ trợ mang tính trực tiếp hơn, như chính sách miễn, giảm thuế….
Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện đã rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định 31 và đang lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.