Trang chủ / Bài đăng
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế: ngôi nhà chung của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế (tên viết tắt tiếng Anh là HUASEN) là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các doanh nghiệp và doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Những năm qua, HUASEN luôn phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền để chuyển tải nhu cầu, nguyện vọng, khó khăn, bức xúc của doanh nghiệp đến chính quyền địa phương. Từ những thông tin hữu ích, kịp thời, tỉnh sớm đề ra giải pháp thiết thực hiệu quả đối với từng khó khăn, kiến nghị, đề xuất từ phía doanh nghiệp. HUASEN còn được coi là “ngôi nhà chung” để các doanh nghiệp hội viên cùng sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối làm ăn, hợp tác cùng đón cơ hội, chia sẻ rủi ro trong sản xuất, kinh doanh.
Tại hội nghị tổng kết năm 2023 mới đây, ông Phan Qúy Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đánh giá cao HUASEN trong các hoạt động hỗ trợ hội viên, làm tốt vai trò kết nối giữa doanh nghiệp và chính quyền tỉnh. Ngoài ra, HUASEN nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp thông qua nâng cao kiến thức, kỹ năng kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối đầu tư, xúc tiến kinh doanh. Đặc biệt, HUASEN ghi dấu ấn với chương trình Cà phê doanh nhân trở thành kênh kết nối trực tiếp giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế.
Kết nạp các tổ chức tham gia làm thành viên tập thể của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế
Trải qua 18 năm thành lập (từ năm 2006), Hiệp hội đã luôn nổ lực tập hợp, đoàn kết các doanh nghiệp và doanh nhân; Hợp tác, liên kết, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Hội viên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế và của đất nước, đồng thời Hiệp hội giữ vai trò cầu nối giữa các Doanh nghiệp với các cơ quan chức năng trong mọi hoạt động, nhất là tham mưu, đóng góp ý kiến với các cơ quan Nhà nước nhằm hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách; thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế; giúp hội viên có điều kiện tiếp cận với các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, luật pháp kinh tế thương mại quốc tế và quan hệ hợp tác với các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước trên nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng, cùng có lợi phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam.
Đến nay, HUASEN có 14 tổ chức hội, Câu lạc bộ thành viên và đơn vị trực thuộc với 1.068 hội viên, trong đó có 423 doanh nghiệp hội viên trực tiếp, 645 hội viên của các hội, CLB thành viên. Hội viên của Hiệp hội chủ yếu là DNNVV, thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau, gồm: các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp dân doanh … và hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, như: dệt may, y tế, giáo dục, nông lâm ngư nghiệp, CNTT, điện tử viễn thông, thương mại dịch vụ, du lịch, xây dựng, cơ khí….
Ông Đặng Hàn Tiên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Dữ liệu số Bdata, chia sẻ: “Qua các chương trình đào tạo, tập huấn, hội thảo hay chương trình Cà phê doanh nhân với từng chủ đề về ngân hàng, công thương, thuế… đưa chính quyền tỉnh gần hơn với doanh nghiệp. Ngược lại, các vấn đề thắc mắc, kiến nghị, bức xúc cần giải đáp của doanh nghiệp cũng được các cơ quan ban ngành giải quyết một cách trực tiếp, nhanh gọn”.
Trong thời gian qua, HUASEN còn ghi dấu ấn với việc kết nối với các tổ chức trong và ngoài tỉnh. Đơn cử, ký kết thỏa thuận hợp tác chung với Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) và Hiệp hội Doanh nghiệp các tỉnh: Hòa Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị nhằm khai thác các nguồn lực và phát huy thế mạnh của mỗi bên trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển chung của các Hiệp hội, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Hay như, thỏa thuận hợp tác với Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam về chuyển đổi số cho doanh nghiệp hội viên. Đồng thời, phối hợp với VCCI chi nhánh miền Trung - Tây nguyên, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp (Bộ Tư pháp), Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công thương Trung ương tổ chức 14 khóa đào tạo, với trên 1000 học viên tham gia.
Thường xuyên duy trì và tổ chức các hoạt động từ thiện, vì cuộc sống cộng đồng, như: Chương trình Bánh mì 0 đông, Trung thu Thắp sáng yêu thương, Tết vì người nghèo…
Bên cạnh đó, HUASEN thường xuyên duy trì và tổ chức tốt các hoạt động xã hội, từ thiện vì cuộc sống cộng đồng, như: Tết vì người nghèo, Trung thu thắp sáng yêu thương, Bánh mì 0 đồng… nhiều phong trào, cuộc vận động và hoạt động xã hội từ thiện đã được Hiệp hội triển khai nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tham gia của các doanh nghiệp hội viên.
Từ kết quả đạt được, trong thời gian tới, HUASEN xác định tiếp tục bám sát phương châm hoạt động “Liên kết để chia sẻ, hợp tác để thành công”. Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch HUASEN, cho biết: HUASEN đặt mục tiêu nâng chất lượng hỗ trợ, phục vụ hội viên, trọng tâm là tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại trong nội bộ và doanh nghiệp địa phương; tổ chức các chương trình thiện nguyện, từ thiện xã hội phục vụ cộng đồng. Ngoài ra, HUASEN tiếp tục phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho doanh nghiệp; tổ chức các chương trình kết nối kinh doanh, giao lưu kết nối với các Hiệp hội bạn trong cả nước.…Chương trình Café doanh nhân do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức và duy trì thường xuyên.
Theo ông Đặng Hàn Tiên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Dữ liệu số Bdata, để nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hội viên, HUASEN nên thường xuyên tổ chức các buổi đến thăm và làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp để tăng cường kết nối cũng như nắm rõ hơn hoạt động sản xuất kinh doanh và những khó khăn cần được hỗ trợ của doanh nghiệp. Đồng thời, chia tổng số doanh nghiệp hội viên thành các nhóm nhỏ, trong đó mỗi nhóm là các doanh nghiệp có ngành nghề khác nhau để cùng tương trợ, khác phục các “điểm yếu” cho nhau. Một số doanh nghiệp mong muốn HUASEN chia sẻ thông tin nhiều hơn, thường xuyên hơn về hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện hạ tầng… của tỉnh. Qua đó, doanh nghiệp có nhiều điều kiện tiếp cận các nguồn thông tin hữu ích nói trên để hướng hoạt động của doanh nghiệp ngày càng hiệu quả và bền vững…