Trang chủ / Bài đăng
Chính phủ được áp dụng các biện pháp cần thiết, cấp bách chống dịch
Chiều ngày 24/7, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ về đề xuất một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đưa vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày.
• Huế sẽ đón công dân trở về từ TP. Hồ CHí Minh bằng máy bay
• Một số câu hỏi thường gặp khi thành lập công ty
• Hơn 40 tấn hàng hóa và 200 triệu đồng ủng hộ đồng bào TP. Hồ Chí Minh
• Công ty TNHH Thương mại Thái Đông Anh tuyển dụng nhân viên lái xe
• Hướng dẫn Người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Chính phủ cần được áp dụng những biện pháp chống dịch như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Thời gian qua, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Tổng Bí thư đã ra Lời kêu gọi; Bộ Chính trị đã ban hành kết luận; Thường trực Ban Bí thư đã có Công điện; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết dành ngân sách cho công tác phòng chống dịch COVID-19; Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chỉ thị, công điện kịp thời giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, cùng với đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch, chúng ta đã và đang cố gắng kiềm chế dịch bệnh.
Tuy nhiên, hiện nay còn có sự bất cập trong ban hành một số văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cần có văn bản ở tầm pháp lý cao hơn để tạo điều kiện cho công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới.
Được sự đồng ý của Bộ Chính trị; chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, Chính phủ kính trình Quốc hội một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV như sau:
Dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục gia tăng. Trên thế giới, đến nay ghi nhận hơn 191 triệu ca mắc, trong đó hơn 4,1 triệu trường hợp tử vong do COVID-19. Biến thể Delta đang khiến số ca nhiễm mới hằng ngày trên thế giới tăng mạnh, đặc biệt là tại các quốc gia thuộc châu Á, châu Âu.
Tại Việt Nam, dịch COVID-19 đã lan ra 59/63 tỉnh, thành phố, cả nước ghi nhận 86.957ca đến ngày 23/7/2021, trong đó có 2.145 ca nhập cảnh và 335 trường hợp tử vong. Đợt dịch thứ tư đang gia tăng tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam với quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh, diễn biến rất phức tạp, khó lường, kéo dài, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp đã áp dụng linh hoạt các quy định pháp luật để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, thực tiễn đã phát sinh các tình huống khó khăn, vướng mắc, bất cập cần phải giải quyết vì dịch COVID-19 chưa có trong tiền lệ nên cũng cần các biện pháp chưa có trong tiền lệ. Về pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần được quyết định các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của Quốc hội trong thời gian Quốc hội chưa họp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần được trao quyền chủ động hơn, mạnh mẽ hơn trong việc quyết định kịp thời các biện pháp cần thiết, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh. Chính phủ cần được áp dụng những biện pháp chống dịch như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp (nếu ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ có những tác động bất lợi đến quốc phòng, an ninh, kinh tế, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại và đời sống nhân dân…) và các biện pháp chưa được luật hiện hành quy định trong những trường hợp cần thiết để sớm ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, đưa đất nước, cuộc sống của người dân trở về trạng thái “bình thường mới”.
Do đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét đưa nội dung về phòng, chống dịch COVID-19 vào Nghị quyết kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV để có cơ sở pháp lý vững chắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, mua sắm, sản xuất thuốc
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, quan điểm chỉ đạo phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân; tạo cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Phù hợp với các quy định của Hiến pháp và pháp luật về thẩm quyền của Quốc hội và đáp ứng yêu cầu khẩn trương, cấp bách trong công tác phòng chống dịch COVID-19; bảo đảm tính khả thi trong điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước hiện nay.
Về nội dung về phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ đề nghị đưa vào Nghị quyết của Quốc hội như sau: Thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ MTTQ Việt Nam, các bộ ngành và các địa phương đã chỉ đạo sát sao, huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân vào công cuộc phòng, chống dịch COVID-19.
Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, các bộ, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể, đặc biệt các lực lượng tuyến đầu chống dịch, cán bộ y tế, quân đội, công an… và các địa phương đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo, triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ nhiều chủ trương, biện pháp nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Nhân dân đã tin tưởng, đồng tình và chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tích cực tham gia phòng, chống dịch; đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn.
Dịch đang tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, các biến chủng mới có khả năng cao sẽ xuất hiện và lây lan trên toàn cầu, số lượng người mắc, tử vong tăng nhanh, nguồn cung ứng vaccine còn hạn chế, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, gây ra nhiều thách thức trong việc kiểm soát, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng lớn đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, vì vậy cần phải tiếp tục tăng cường biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt và triệt để hơn nữa.
Quốc hội nhất trí với các chính sách, giải pháp của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 đã áp dụng trong thời gian qua và giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:
Chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp đã thực hiện trong thời gian qua, các biện pháp quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp, các luật khác có liên quan và các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật hiện hành như trong trường hợp đã ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; được áp dụng các biện pháp, ban hành các quy định cần thiết chưa được luật quy định để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có việc áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, mua sắm, sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất.
Đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết
Trường hợp cần thiết phải ban hành, áp dụng các quy định khác với quy định của luật hiện hành thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Được sử dụng nghị quyết, chỉ thị, công điện và các hình thức văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành để quy định, áp dụng và triển khai các biện pháp phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Ưu tiên ngân sách, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; quyết định chuyển nguồn kinh phí trong dự toán đã được duyệt cho phòng, chống dịch; thay đổi, điều chuyển nguồn kinh phí trong ngân sách nhưng chưa có trong dự toán cho công tác phòng, chống dịch; tạm ứng ngân sách trong trường hợp vượt dự toán đã phê duyệt; được mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh; Trung ương hỗ trợ địa phương trong trường hợp cần thiết; đồng ý chuyển 1.237 tỷ cho Bộ Y tế để phòng, chống dịch.
Đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo sức khoẻ và đời sống của người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người già, người yếu thế khác và lực lượng tuyến đầu chống dịch; có biện pháp hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Báo cáo Quốc hội việc triển khai và kết quả thực hiện các biện pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trường hợp có vấn đề phát sinh, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian Quốc hội chưa họp; khẩn trương rà soát các luật có liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, trình Quốc hội.
Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết này; kịp thời quyết định các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của Quốc hội trong thời gian Quốc hội chưa họp và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Nghị quyết này được thực hiện đến ngày 31/12/2022. Trường hợp cần điều chỉnh để phù hợp với diễn biến tình hình dịch, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.
Đồng hành với những nỗ lực của Chính phủ, các cấp, các ngành, Quốc hội kêu gọi cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng chung tay, chung sức, đồng lòng, quyết tâm nỗ lực vượt mọi khó khăn để phòng, chống và ngăn chặn kịp thời dịch COVID-19”.
Theo Chinhphu.vn