Trang chủ / Bài đăng
Triển khai các chính sách hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Nhằm giúp doanh nghiệp có thêm thông tin, đồng thời tháo gỡ các khó khăn, nâng cao khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ, ngày 9/9, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các sở, ngành tổ chức Hội nghị triển khai các chính sách hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
• Thừa Thiên Huế có 7 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2021
• Công nghệ là yếu tố then chốt để xây dựng Hệ thống giải pháp quản lý rủi ro của doanh nghiệp
• Thừa Thiên Huế: 03 doanh nghiệp tiếp cận với gói vay lãi suất 0%
• Thừa Thiên Huế triển khai hỗ trợ 100 doanh nghiệp chuyển đổi số
• Triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP: Đừng chờ dân đến mà phải tìm đến dân
• Ngân hàng Nhà nước triển khai gói 7.500 tỷ đồng cho vay trả lương ngừng việc
• Hướng dẫn Người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Văn Cường (ảnh trên) - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trước tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp Thừa Thiên Huế vốn đã “tổn thương” lại càng khó khăn hơn. Theo thống kê của Sở, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới liên tiếp giảm trong 2 năm (2020 và 2021) lần lượt là 4,83% và 7,97%, số doanh nghiệp tạm ngưng tăng tương ứng là 8,065% và 45,85%, số doanh nghiệp giải thể ở mức cao, lần lượt là 112 và 117 doanh nghiệp. Diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân, hội nghị nhằm giúp doanh nghiệp có thêm thông tin, đồng thời tháo gỡ các khó khăn, nâng cao khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp Du lịch Đinh Mạnh Thắng thông tin, 2 năm qua, các doanh nghiệp du lịch ảnh hưởng nặng nề với 12.000 phòng đóng cửa và hơn 13.000 cán bộ, công nhân viên thất nghiệp. Các khách sạn nếu còn mở cửa đều chịu lỗ để duy trì chứ không có khách. Hiện các gói kích cầu, chính sách hỗ trợ của của Nhà nước hầu như doanh nghiệp du lịch không được hưởng.
“Chúng tôi mong các nhà hoạch định, cơ quan quản lý Nhà nước nghiên cứu có gói hỗ trợ kịp thời giúp các doanh nghiệp tỉnh tồn tại lúc này. Như giảm tiền thuê đất chẳng hạn”, ông Thắng nói và dẫn chứng: Khách sạn Century, mỗi năm 6 tỷ tiền thuê đất, Khách sạn Mường Thanh 3 tỷ, Mondial 3 tỷ… dù không hoạt động các doanh nghiệp vẫn phải trả tiền thuê đất.
“Quan trọng nhất hiện nay là doanh nghiệp cần tồn tại và không phá sản để hậu COVID-19 có điều kiện phục hồi và phát triển. Doanh nghiệp du lịch cần các cơ chế, chính sách hỗ trợ như chế độ cho người lao động, cơ chế phát triển chung cho ngành du lịch…”, ông Thắng đề xuất.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Long bày tỏ, qua 4 đợt dịch, các doanh nghiệp vận tải đã “thấm đòn”, bắt đầu thua lỗ từ 2021 do không có doanh thu hoặc doanh thu thấp vì những tháng phải giãn cách và phương tiện vận tải chỉ hoạt động 50% công suất, 1/2 số ghế. “Lãi ngân hàng vẫn phải trả nhưng doanh thu không có, muốn bán xe cũng không ai mua nên doanh nghiệp vận tải rơi vào tình thế cực kỳ phức tạp. Chính sách hỗ trợ người lao động, như lái xe, nhân viên phục vụ hiện chưa đầy đủ”.
Ông Long cho hay, Nhà nước có một số chính sách về BHXH, như tạm ngưng đóng nhưng rồi phải đóng bù, trong khi doanh nghiệp đang thua lỗ muốn giảm chi phí. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp buộc phải thanh lý, tạm hoãn hợp đồng lao động. “Doanh nghiệp vận tải rất mong bỏ quy định xử phạt doanh nghiệp nếu nộp chậm BHXH trong giai đoạn này. Có chính sách cụ thể với phí bảo trì đường bộ, nếu xe ngưng hoạt động thì được miễn giảm 100%”.
Chủ tịch HHDN tỉnh Dương Tuấn Anh cũng đề xuất hỗ trợ cho doanh nghiệp tiêm vắc-xin nhanh nhất, để đạt mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Đại diện Hiệp hội Bất động sản, Hiệp hội Taxi đề xuất được tiếp cận vốn vay thông thoáng, được gia hạn và chậm nộp thuế để vượt khó do ảnh hưởng của đại dịch.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Thừa Thiên Huế cho rằng, chúng ta chưa đoán được tình hình sắp đến, dịch bệnh kéo dài bao lâu nên tỉnh cần có định hướng tương lai, có kịch bản tiếp theo từ đây đến cuối năm và có chính sách cụ thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp, kể cả chính sách chống phá sản cho các doanh nghiệp.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Tại hội nghị, đại diện các Ngân hàng Nhà nước, Ngân Chính sách Xã hội, Cục Thuế, Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình bày một số chính sách của ngành Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; hướng dẫn người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ; các chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp; chính sách giảm mức đóng bảo hiểm cho các đối tượng; chính sách hỗ trợ đào tạo và duy trì việc làm cho người lao động và Sản phẩm tài chính số quốc dân của VNPT.
Cục trưởng Cục thuế tỉnh Hà Văn Khoa thông tin thêm về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như chính sách gia hạn thuế cho doanh nghiệp bất động sản trong Nghị định 52 của Chính phủ. Liên quan đến tiền thuê đất, theo ông Khoa, Bộ Tài chính đã có tờ trình gửi Chính phủ về vấn đề miễn giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp và đang đợi kết luận chính thức.
“Nếu có, ngành thuế sẽ triển khai nhanh chóng, kịp thời đầy đủ đến các doanh nghiệp để doanh nghiệp thực hiện đảm bảo quyền lợi. Ngoài ra, tờ trình còn có đề xuất miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, nhưng sát sườn nhất với doanh nghiệp là tiền thuê đất”, ông Khoa nói.
Với các đề xuất về chính sách BHXH, người lao động, đại diện các sở, ngành liên quan đã có những giải đáp, chia sẻ tháo gỡ.
Phó Giám đốc Phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lê Văn Sỹ cũng có một số lưu ý với doanh nghiệp về việc để tăng khả năng tiếp cận vốn vay Ngân hàng. ngoài những giải pháp từ phía Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, bản thân doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động của mình, nâng cao khả năng tài chính, khả năng trả nợ, xây dựng phương án, dự án sử dụng vốn vay hiệu quả, tạo niềm tin với các tổ chức tín dụng yên tâm cấp tín dụng.
Đến thời điểm này, ngành thuế đã hoàn thành dự toán thu ngân sách của năm 2021 trong bối cảnh đại dịch, đây là nỗ lực, cố gắng chung của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh và nhất là đóng góp của nhóm doanh nghiệp FDI, thu từ hoạt động đấu giá tiền sử dụng đất.
Đông Cát