Đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thừa Thiên Huế

Đăng ngày: 28-07-2021, Lượt xem: 2439

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.


• Bổ nhiệm ông Nguyễn Hải Quân làm Giám đốc Agribank chi nhánh Thừa Thiên Huế

• Một số câu hỏi thường gặp khi thành lập công ty

• Hơn 40 tấn hàng hóa và 200 triệu đồng ủng hộ đồng bào TP. Hồ Chí Minh

• Chiến lược doanh nghiệp: Góc nhìn từ khủng hoảng

• Hướng dẫn Người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.


Theo đó, để xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung đề xuất 04 chính sách gồm: (1) Phí tham quan di tích; (2) Thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế; (3) Quy định mức dư nợ vay; (4) Về sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý. Cơ chế, chính sách cụ thể dưới đây:

Một là, phí tham quan di tích: Dự thảo Nghị quyết quy định Phải bảo đảm một phần nguồn vốn phục vụ chi đầu tư bảo tồn và trùng tu các công trình văn hóa di tích, di sản quan trọng trên địa bàn tỉnh. Phí tham quan di tích trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thu đầy đủ vào ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí tham quan nộp vào ngân sách Nhà nước để thực hiện đầu tư trùng tu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.

Hai là, huy động nguồn lực thông qua thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế: Dự thảo đề xuất huy động nguồn lực toàn xã hội và có cơ chế tài chính sử dụng phù hợp thông qua thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế.

Quỹ được tiếp nhận từ nguồn ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ, nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; đồng thời cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng ngân sách do cấp mình quản lý hỗ trợ cho tỉnh Thừa Thiên Huế để phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế.

“Quỹ bảo tồn di sản văn hóa Huế là Quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý”, Dự thảo nhấn mạnh.

Ba là, huy động vốn đầu tư phát triển. Đây được xem nhóm giải pháp quan trọng nhằm tạo điều kiện cho Thừa Thiên Huế có cơ chế huy động thêm nguồn lực để thực hiện các dự án trùng tu, bảo tồn di sản và thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, tạo động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh.

Theo đó, dự thảo Nghị quyết quy định mức dư nợ vay của ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế không vượt quá 40% với thu ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng theo phân cấp. Trước đó, theo quy định tại Ngân sách nhà nước 2015, tỉnh Thừa Thiên Huế được áp dụng mức dư nợ vay không quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp 5 (khoảng 1.293 tỷ đồng/năm tính theo ngân sách tỉnh hưởng theo phân cấp năm 2019).

Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư xây dựng phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là rất lớn (dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng/năm, trong đó vốn trùng tu, bảo tồn di tích khoảng 1.000 tỷ đồng/năm). Trong khi thu ngân sách của địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và các nguồn vốn huy động khác có mặt còn hạn chế nên cân đối ngân sách địa phương không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

“Việc đề xuất mức dư nợ vay tối đa là 40% (tương đương mức dư nợ vay khoảng 2.587 tỷ đồng) sẽ giúp địa phương đảm bảo trần vay nợ để triển khai các dự án đã và đang thực hiện; chủ động cân đối nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công”, Bộ KH-ĐT cho biết.

Bốn là, để lại nguồn thu từ sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh sắp xếp lại, quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản và quỹ đất trên địa bàn; đồng thời tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho tỉnh trong việc thu hút đầu tư ở những khu vực hạn chế chiều cao công trình.

Theo đó, dự thảo quy định ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng  đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau khi đã trừ chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (trừ cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dự kiến nguồn kinh phí để thực hiện gồm nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn đóng góp phí đào tạo, nguồn tài trợ từ các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác.

Thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Nghị quyết vào kỳ họp lần thứ hai của Quốc hội khóa 15.

Xem toàn văn Dự thảo tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân đề nghị gửi về Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Địa chỉ: 6B Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội. Hoặc Chuyên viên Nguyễn Thị Thanh Nga, Email: ntnga@mpi.gov.vn trước ngày 30/7/2021./.