Trang chủ / Bài đăng
Xuất nhập khẩu Việt Nam cán mốc kỷ lục 700 tỷ USD, nâng tầm vị trí trên bản đồ quốc tế
Theo số liệu thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố, đến ngày 14/12, tổng giá trị xuất nhập khẩu đã đạt 698,5 tỷ USD và đến hôm nay (15/12) là 700 tỷ USD - đây là cột mốc mới với Việt Nam. Con số này đã phá vỡ kỷ lục 600 tỷ USD được thiết lập vào năm ngoái.
Cụ thể, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước sau 11 tháng năm 2022 đạt 673,7 tỷ USD, tăng 11,8% (tương ứng tăng 70,92 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 342,19 tỷ USD; nhập khẩu đạt 331,51 tỷ USD. Với kết quả này, cán cân thương mại thặng dư tới 10,68 tỷ USD, vượt xa con số 4 tỷ USD của cả năm 2021…
11 tháng qua, tổng trị giá xuất nhập khẩu của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 468,7 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021 (tương ứng tăng 50,76 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 205 tỷ USD, tăng 10,9% (tương ứng tăng 20,16 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, trong 20 năm qua, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã liên tiếp đạt các mốc kỷ lục. Cụ thể, năm 2001 ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu chỉ hơn 30 tỷ USD. Sau 6 năm, đến năm 2007, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đã đạt con số 100 tỷ USD, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO. 4 năm sau, năm 2011 ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi, đạt con số 200 tỷ USD. Đến năm 2015 xuất nhập khẩu Việt Nam cũng đã cán mốc trị giá 300 tỷ USD.
Cột mốc 400 tỷ USD của xuất nhập khẩu hàng hóa được ghi nhận vào giữa tháng 12/2017, cột mốc 500 tỷ USD được ghi nhận vào giữa tháng 12/2019, cột mốc 600 tỷ USD được ghi nhận vào ngày 30/11/2021. Và cột mốc tiếp theo được ghi nhận vào hôm nay, đạt 700 tỷ USD.
Theo Tổng cục Hải quan, với kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa ấn tượng ghi nhận trong năm 2022, thứ hạng xuất khẩu nhập của Việt Nam có thể được nâng cao trên phạm vi toàn cầu.
Đáng chú ý, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đã tăng 7 lần so với cách đây 15 năm, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007.
Theo Tổng cục Hải quan, trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ đạt 101 tỷ USD, tăng 17,7% (tương ứng tăng 15,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc đạt 109,46 tỷ USD, tăng 10% (tương ứng tăng 9,93 tỷ USD). Như vậy, xuất khẩu sang Hoa Kỳ và nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc trong 11 tháng năm 2022 đều vượt ngưỡng 100 tỷ USD, đạt mức kỷ lục từ trước tới nay.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 11/2022 đạt 11,34 tỷ USD, tăng 12,7% tương ứng tăng 1,28 tỷ USD so với kỳ 1 của tháng, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm đến hết tháng 11/2022 của nhóm các doanh nghiệp này lên 252,64 tỷ USD, tăng 14,5% (tương ứng tăng 32,03 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,8% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Từ chiều ngược lại, giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 11/2022 đạt 13,36 tỷ USD, giảm 9,6% (tương ứng giảm 1,4 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 tháng 11/2022.
Một số nhóm hàng có trị giá nhập khẩu giảm là dầu thô giảm 374 triệu USD (tương ứng giảm 61%); sắt thép các loại giảm 186 triệu USD (tương ứng giảm 37,7%); điện thoại các loại và linh kiện giảm 183 triệu USD (tương ứng giảm 17,3%)...
Như vậy, tính chung từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 331,51 tỷ USD, tăng 10,1% (tương ứng tăng 30,42 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
Trong kỳ 2 tháng 11/2022, trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI đạt 8,62 tỷ USD, giảm 8,9% (tương ứng giảm 840 triệu USD) so với kỳ 1 tháng 11/2022. Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 216,06 tỷ USD, tăng 9,5% (tương ứng tăng 18,73 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 65,2% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Ngoài ra, trong khu vực ASEAN, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có vị trí thứ 2 chỉ sau Singapore và nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam có vị trí thứ 2 (chỉ sau Singapore).
Trong những năm qua, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ về mặt quy mô và tốc độ. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong 20 năm (giai đoạn 2002-2021) của Việt Nam đã đạt con số 5.146 tỷ USD.
Chỉ tính riêng 10 năm từ năm 2012 đến năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam ta đạt 4.110 tỷ USD, cao gấp gần 4 lần xuất nhập khẩu của 10 năm về trước cộng lại.
Theo công bố của Tổ chức Thương mại thế giới, trong năm 2006, nền kinh tế Việt Nam được xếp hạng thứ 50 trên thế giới về xuất khẩu hàng hóa và xếp thứ 44 về nhập khẩu hàng hóa.
Sau hơn 10 năm, đến năm 2018, Việt Nam đã có bước tăng ấn tượng xếp thứ 26 về xuất khẩu và thứ 23 về nhập khẩu. Theo đó, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu.
Với xếp hạng gần đây trong năm 2021, Tổ chức Thương mại thế giới ghi nhận xuất khẩu của Việt Nam xếp hạng thứ 23 trên thế giới và nhập khẩu của Việt Nam xếp hạng thứ 20 trên thế giới.