Tăng cường gắn kết các bên trong Giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động

Đăng ngày: 18-05-2023, Lượt xem: 487

Sáng ngày 18/5, Hiệp hội Doanh nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam (Chương trình TVET-GIZ) tổ chức hội thảo chuyên đề về “Tăng cường gắn kết các bên trong Giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động”.

Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Hữu Phước cho biết, Hội thảo này là tiền đề cho việc xây dựng và hình thành cơ chế hợp tác các bên trong Giáo dục nghề nghiệp, góp phần phát triển mạnh mẽ giáo dục nghề nghiệp, góp phần tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, với sự hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm từ Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam. Bên cạnh đó, Hội thảo còn là diễn đàn trao đổi giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), doanh nghiệp và tổ chức xã hội nghề nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị hữu quan để cùng tìm ra các giải pháp đột phá nhằm tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý trong việc chọn lựa ngành, nghề, nhóm nghề có thế mạnh để đào tạo đáp ứng nhu cầu và cung ứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp.

“Hội thảo này còn là một bước quan trọng cho nghiên cứu các vấn đề triển khai việc thành lập Hội đồng GDNN ở cấp cơ sở để hướng đến hình thành các chính sách liên quan trong phát triển giáo dục nghề nghiệp ở tầm quốc gia”, ông Nguyễn Hữu Phước nhấn mạnh.

Hội thảo đã tập trung thảo luận, đi sâu vào những nội dung về mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế phối hợp ba bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp tại địa phương. Nghiên cứu chương trình phát triển nguồn nhân lực dựa trên phát triển các ngành lĩnh vực. Chọn lựa ngành, nghề đào tạo đúng hướng, nhất là các ngành nghề khoa học - kỹ thuật - công nghệ và đào tạo các chuyên ngành mới trong chuyển đổi số như: Trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, IoT, chuỗi khối… góp phần đáp ứng nhân lực cho thị trường lao động hiện nay là điều rất cần thiết, phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.